Chuyên gia dự báo giá đồng, nhôm và kẽm trong quý 4 sẽ giảm
Giá kim loại công nghiệp đang duy trì ở mức cao do thiếu hụt nguồn cung khi công nhân ở hàng loạt mỏ lớn đình công. Tình hình có thể sẽ chưa cải thiện trong thời gian tới.
Giá đồng đang tăng rất mạnh. Lần đầu tiên trong vòng 5 tháng, giá có lúc vượt 6.000 USD/tấn do dự báo nhu cầu sẽ mạnh lên từ nước tiêu thụ lớn nhất thế giới – Trung Quốc – sau số liệu cho thấy sản xuất công nghiệp nước này tăng mạnh trong quý 2 và tăng trưởng GDP cùng quý đạt 6,9%, cao hơn mức dự báo 6,8% của giới phân tích. Liên tiếp trong một tuần qua, giá đồng kết thúc phiên giao dịch ở mức cao nhất trong vòng 4,5 tháng.
Vào trưa phiên giao dịch cuối tuần vừa rồi là ngày 21/7, giá đồng đã tăng lên mức 6.035 USD/tấn, cao nhất kể từ ngày 1/3 (khi giá ở mức 6.015 USD/tấn).
Sản lượng công nghiệp của Trung Quốc tăng 7,6% trong tháng 6, mức tăng mạnh nhất trong 3 tháng, trong khi đầu tư tài sản cố định tăng 8,6% trong 6 tháng đầu năm, vượt dự báo. Doanh thu bán lẻ tháng 6 tăng 11% so với cùng kỳ năm ngoái, mức tăng mạnh nhất kể từ tháng 12/2015 và vượt dự báo.
Trong 4 tháng đầu năm 2017, thị trường đồng thế giới đã dư thừa khoảng 80.000 tấn do nhu cầu của Trung Quốc sụt giảm, theo Tổ chức Nghiên cứu Đồng Quốc tế (ICSG). Chiếm tới 48% tiêu thụ đồng toàn cầu, việc nhu cầu giảm 7% ở Trung Quốc trong 4 tháng đầu năm đã khiến nhu cầu đồng tinh luyện trên toàn cầu giảm khoảng 3% mặc dù tiêu thụ của các nước khác ngoài Trung Quốc tăng nhẹ khoảng 0,5%.
Tuy nhiên tính riêng tháng 4 thị trường thế giới thiếu hụt 53.000 tấn đồng tinh luyện, sau khi bị thiếu 18.000 tấn trong tháng 3. Sản lượng đồng toàn cầu tháng 4 là 1,94 triệu tấn, trong khi tiêu thụ là 2 triệu tấn. Thống kê từ các kho dự trữ đồng ở Trunng Quốc cho thấy tháng 4 nước này thiếu 58.000 tấn, sau khi dư thừa 22.000 tấn trong tháng 3.
Những số liệu kinh tế mới nhất của Trung Quốc làm giới đầu tư dấy lên hy vọng nhập khẩu vào nước này sẽ tăng mạnh. Trong bối cảnh nguồn cung đồng có thể sẽ chuyển hướng sang thiếu hụt, mặt hàng này được kỳ vọng sẽ đem lại lãi lớn cho các nhà đầu tư.
Trang tin Reuters ngày 17/7 đưa ra nhận định, tình trạng thiếu hụt đồng năm nay sẽ trở nên nghiêm trọng hơn vì có thêm nhiều mỏ đồng ở Nam Phi sản xuất bị ảnh hưởng do công nhân đình công.
Đầu năm 2017, thị trường đã từng bị gián đoạn nguồn cung khi công nhân ở mỏ Escondida (Chile) – mỏ đồng lớn nhất thế giới đình công dài ngày và mỏ Grasberg (Indonesia) bị ngừng sản xuất.
Trung tuần tháng 6, công nhân ở mỏ Zaldivar của tập đoàn Antofagasta (Chile) cũng đình công, trong khi các mỏ đồng ở Peru cũng có kế hoạch bắt đầu có hành động tương tự.
Kết quả thăm dò ở các nhà phân tích có uy tín trên thế giới do Reuters tiến hành cho thấy kết quả dự báo thiếu cung đồng trên thị trường thế giới năm nay có thể tăng gấp đôi lên 44.000 tấn, từ mức 17.000 tấn dự báo hồi tháng 5.
Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng tình hình sẽ đổi khác trong năm tới, và thị trường sẽ có dư khoảng 74.000 tấn.
“Chúng tôi gần như tin chắc rằng sẽ có thêm nhiều mỏ đồng bị gián đoạn sản xuất vào cuối năm nay... nhưng chắc sẽ không nghiêm trọng, và ảnh hưởng tới giá có thể cũng sẽ chỉ ở mức như hiện tại”, nhà kinh tế Amy Li thuộc Ngân hàng Quốc gia Australia ở Melbourne cho biết.
Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng giá sẽ không tăng so với hiện nay, với mức dự báo trung bình của 26 nhà phân tích cho rằng giá đồng giao ngay trong quý 4 trên sàn London (LME) sẽ ở mức 5.726 USD/tấn, giảm 3% so với mức giá đóng cửa ngày 21/7.
Từ đầu năm tới nay, giá đồng đã tăng 8%, mạnh thứ 4 trong số 6 kim loại cơ bản.
Nhôm là kim loại tăng giá mạnh nhất trong nhóm này, tăng 15%, do lo ngại về khả năng thiếu cung nếu chính phủ Trung Quốc thành công trong việc đóng cửa toàn bộ các nhà máy sản xuất nhôm nhỏ lẻ không đạt tiêu chuẩn về môi trường như dự kiến.
Tháng 5 vừa qua các nhà phân tích đã hạ 74% mức dự báo về dư thừa nhôm, nhưng đến tháng 7 này lại điều chỉnh tăng 52% lên 125.000 tấn, còn về năm 2018 thì dự báo sẽ thiếu hụt 87.000 tấn, giảm hơn một nửa so với mức thiếu hụt 200.000 tấn dự báo lần trước.
“Chúng tôi cho rằng một số cơ sở sản xuất cũ (của Trung Quốc) sẽ phải tạm dừng hoạt động trong tương lai gần, nhưng sẽ rất khó để đạt được toàn bộ kế hoạch trong trung hạn”, Stephen Walker, giám đốc nghiên cứu về mỏ thuộc RBC Capital Markets nhận định.
Giống như đồng, các nhà phân tích cũng cho rằng vấn dề nguồn cung nhôm sẽ ảnh hưởng tới giá, và gía trung bình trong quý 4 sẽ ở mức 1.918 USD/tấn, chỉ tăng 0,5% so với mức đóng cửa ngày 21/7.
Kẽm được dự báo sẽ ở trong tình trạng thiếu cung trầm trọng sau khi hàng loạt mỏ kẽm lớn bị đóng cửa hoặc tạm dừng hoạt động trong năm ngoái.
Các chuyên gia cảnh báo mức thiếu hụt kẽm trên toàn cầu năm nay sẽ lên tới 412.000 tấn, so với thiếu 336.500 tấn năm ngoái, và năm 2018 sẽ thiếu 190.000 tấn.
Nhưng giống như những kim loại khác, thiếu cung sẽ không thể làm giá tăng thêm nữa vì đang ở mức rất cao.
Các chuyên gia dự báo giá kẽm sẽ trung bình 2.734 USD/tấn trong quý 4, giảm 1,9% so với mức đóng cửa ngày 21/7.
“Giá sẽ không phản ánh chính xác các điều kiện thị trường, vì đã tăng rất nhiều trong nửa đầu năm, nhiều hơn so với mức ảnh hưởng từ các yếu tố cơ bản. Thị trường sẽ vẫn tiếp tục khan hiếm thêm vài tháng nữa”, nhà phân tích Daniela Corsini thuộc Intesa Sanpaolo ở Milan cho biết.
Vân Chi
Theo Thời đại