Tạo thị trường cho doanh nghiệp cơ khí trong nước


 
Các chuyên gia cơ khí cho rằng, nếu có chính sách hợp lý, cơ khí nội địa có thể phát triển và đáp ứng được từ 50-70% nhu cầu.
 
Dự báo đến năm 2030, tổng nhu cầu về thiết bị, máy móc cơ khí phục vụ cho sản xuất, xây lắp tại Việt Nam sẽ đạt khoảng 350 tỷ USD, nhưng hiện thị phần của cơ khí  Việt còn rất thấp. Các chuyên gia cơ khí cho rằng, nếu có chính sách hợp lý, cơ khí nội địa có thể phát triển và đáp ứng được từ 50-70% nhu cầu.
 
Số liệu từ Viện nghiên cứu cơ khí cho thấy, trong giai đoạn từ nay đến 2030, nhu cầu thị trường ngành công nghiệp thiết bị đồng bộ từ 8-10 tỷ USD/năm; ngành công nghiệp ô tô 18 tỷ USD/năm; ngành máy nông nghiệp, máy canh tác, máy chế biến sau thu hoạch 3 tỷ USD/năm; ngành khai thác và chế biến khoáng sản 3 tỷ USD/năm; thiết bị công nghiệp tiêu chuẩn như bơm, quạt, động cơ, hộp số... 2 tỷ USD/năm. Ngành đường sắt dự kiến 30 tỷ USD và hệ thống tàu điện ngầm đến năm 2030 đạt 20 tỷ USD...
 
Theo ông Nguyễn Chỉ Sáng, Viện trưởng Viện nghiên cứu cơ khí, con số trên chưa kể đến công nghiệp phụ trợ. Nếu phát triển tốt ngành công nghiệp phụ trợ, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu như Thái Lan, Hàn Quốc, Indonesia, Đài Loan (Trung Quốc)... thì thị trường còn lớn hơn nhiều. Tuy nhiên, nếu có cách tiếp cận tốt, tận dụng tốt lợi thế cuộc cách mạng 4.0 thì hoàn toàn có thể đáp ứng 60% nhu cầu.
 
Hiệp hội Doanh nghiệp Cơ khí Việt Nam (VAMI) cho biết, thị trường cơ khí từ nay đến 2020 có tiềm năng rất lớn mà các nhà đầu tư nước ngoài đang tìm mọi cách nhảy vào kiếm lợi nhuận. Trong khi đó, hiện tại một số cấp, ngành quản lý nhà nước vẫn chưa thấy hết được giá trị quý báu này để tập trung tạo điều kiện cho cơ khí nước nhà khai thác và giữ gìn như các quốc gia phát triển đã và đang thực hiện.
 
Ông Nguyễn Văn Thụ, nguyên Chủ tịch VAMI cho hay, thị trường không phải yếu tố duy nhất, nhưng quan trọng nhất để hoạch định sự phát triển kinh tế nói chung và các ngành công nghiệp nói riêng. Do vậy, công nghiệp cơ khí với nhu cầu thị trường nội địa hơn 90 triệu dân là khá lý tưởng và đây chính là mấu chốt cho sự cần thiết phải tạo điều kiện cho ngành này phát triển.
 
"Kinh nghiệm nhiều nước khác đã làm là luôn đặt hàng cho các doanh nghiệp cơ khí nước nhà thực hiện các gói thầu. Doanh nghiệp cơ khí khi có đơn hàng thường xuyên mới có điều kiện tái đầu tư, phát triển bền vững và đảm bảo là lực lượng chính yếu khi Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp vào năm 2020”, ông Thụ nói.
 
Thực tế cho thấy, năm 2017, Việt Nam vẫn chưa giải được bài toán đầu tư có trọng điểm cho cơ khí nước nhà để ngành cơ khí đủ nội lực cạnh tranh trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế. Tuy vậy, nhiều ngành nghề cơ khí trong thời gian qua cũng đã vươn lên khá mạnh mẽ, có thể kể đến như ngành công nghiệp thiết bị đồng bộ.
 
Theo đó, các doanh nghiệp cơ khí Việt có khả năng làm tổng thầu và đảm bảo nội địa hóa từ 35-70% cho các dây chuyền thiết bị của các nhà máy nhiệt điện, hóa chất, khai thác chế biến khoáng sản...Hay ngành máy nông nghiệp cũng đã có các đơn vị như Tổng công ty Máy Động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam, Thaco Trường Hải, Cơ khí Bùi Văn Ngọ, cơ khí Long An chiếm lĩnh khá tốt thị trường...
 
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, điều kiện tiên quyết để đáp ứng được nhu cầu thị trường rất lớn này, phải có bảo hộ thị trường ở mức độ nhất định, tránh cạnh tranh không lành mạnh như: chào thầu giá rẻ, chất lượng kém, hàng nhập lậu giá rẻ...
 
Ông Nguyễn Chỉ Sáng bày tỏ, với chính sách tốt, doanh nghiệp sẽ đáp ứng từ 50-70% nhu cầu thị trường. Việt Nam cần có chính sách bảo hộ, bảo vệ thị trường có thời hạn và có điều kiện đặc biệt cho các dự án đầu tư công, chỉ định thầu  hoặc đấu thầu trong nước các hạng mục mà doanh nghiệp trong nước có khả năng thiết kế, chế tạo, cung cấp.
 
Chỉ ra ví dụ, ông Sáng cho biết, dự án nhiệt điện Quảng Ninh do nhà thầu Điện khí Thượng Hải thực hiện sau 5-7 năm vận hành, các hệ thống thiết bị xử lý không khí đã xuống cấp và cần đại tu. Nhưng khi đấu thầu thì nhà thầu Điện khí Thượng Hải lại đạt yêu cầu kỹ thuật vì có giá thấp.
 
"Như vậy, không những các dự án đầu tư không có lãi mà các doanh nghiệp trong nước cũng không có khả năng thắng thầu ngay trên đất mình do các chủ đầu tư chưa loại được những nhà thầu chất lượng kém. Ngược lại, ví dụ về thành công bảo hộ thị trường là chỉ định thầu cho Lilama ở Dự án Nhiệt điện Vũng Áng 1, giá đầu tư chỉ là 1.200 triệu USD, rẻ hơn nhiều so với giá đầu tư các nhà máy có công suất tương tự (1.400 triệu USD) nhưng được thực hiện với tiến độ và chất lượng đảm bảo", ông Sáng nói.
 
Cũng theo Kỹ sư Hoàng Minh Tuấn, Công ty TNHH Fumee Tech, tạo cơ chế bảo vệ cho doanh nghiệp cơ khí nhỏ và vừa cần hiểu không phải theo hướng cực đoan, bóp méo môi trường cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp, làm mất sức hút đầu tư với các doanh nghiệp nước ngoài mà cần để thị trường tự vận hành trong môi trường kinh doanh tự do. Tuy nhiên cần thực thi luật chơi, ủng hộ và bảo vệ doanh nghiệp nhỏ đúng luật, chuyên nghiệp và hiệu quả.
 
Ông Phạm Anh Tuấn, Phó cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) cho biết, thời gian tới, để thực hiện chiến lược phát triển cơ khí Việt Nam, chiếm được phần lớn hơn trong miếng bánh hàng trăm tỷ USD này, cần thiết phải điều chỉnh, ban hành các quy định về đấu thầu của các dự án đầu tư công. Từ đó, góp phần nâng cao tỷ lệ sử dụng thiết bị, vật tư hàng hóa sản xuất trong nước và tăng cường quản lý các gói tổng thầu về máy móc thiết bị để có thể tạo thị trường cho doanh nghiệp cơ khí trong nước.
 
Ông Tuấn cho rằng, cần có chính sách cụ thể phát triển các ngành công nghiệp hạ nguồn trong lĩnh vực cơ khí có quy mô chuỗi cung ứng lớn. Điều này nhằm tạo cơ hội cho các doanh nghiệp cơ khí trong nước tham gia cung cấp phụ tùng, linh kiện cho các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp sản phẩm cuối cùng. Theo đó, chú trọng phát triển các ngành cơ khí có tiềm năng phát triển như ô tô, thiết bị công nghiệp, cơ khí gia dụng và dụng cụ.../.
 
Đức Dũng/BNEWS/TTXVN

Tin tức liên quan
Những cơ hội và rủi ro của ngành thép thế giới 2018
Chuyên gia dự báo giá đồng, nhôm và kẽm trong quý 4 sẽ giảm
Công nghiệp Việt Nam vẫn
Đây là 6 ngành kinh tế mà Trung Quốc đang dẫn đầu thế giới
Công nghiệp mãi “lẹt đẹt”: Đã đến lúc cần một mô hình mới?
Kinh tế Trung Quốc đón tín hiệu tích cực
Thiết bị sóng siêu âm và những điều bạn cần biết
Sóng siêu âm là gì? Ứng dụng trong công nghiệp và y học

VIDEO CLIPS